Chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những điều kiện để tốt nghiệp ra trường của phần lớn các trường đại học trên toàn quốc, trường Đại học Lạc Hồng cũng không ngoại lệ.
Theo chuẩn đầu ra của trường Đại học Lạc Hồng, đối với sinh viên khoa Ngoại Ngữ (Tiếng Anh) khi ra trường cần có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 750, các khoa còn lại cần có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 400. Đây là một điều kiện bắt buộc đối với sinh viên khi làm hồ sơ xét tốt nghiệp.
Một số sinh viên đã ỷ lại, không chịu học hành nghiêm túc để có thể tự mình sở hữu 1 tấm chứng chỉ Toeic hợp lệ theo quy định của nhà trường mà đã nảy ra ý định sử dụng các cách thức gian lận để có được chứng chỉ Toeic để ra trường bằng nhiều phương thức như mua chứng chỉ giả, nhờ người thi hộ….
Đặc biệt có những phần tử xấu đã lợi dụng sự cả tin của sinh viên tung tin có thể mua được bằng TOEIC quốc tế thật 100% với giá từ 7 – 11 triệu đồng hay có thể bỏ ra số tiền 5 – 7 triệu thì có thể sở hữu một tấm chứng chỉ Toeic nội bộ của trường để làm hồ sơ tốt nghiệp…để trục lợi và đã có những trường hợp bị nhà trường phát hiện, điều tra và đình chỉ cấp bằng tốt nghiệp. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật đối với cả người mua và bán; và nếu như trong quá trình xét tốt nghiệp mà bị phát hiện sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả sẽ căn cứ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử lý.
Dưới đây là một số nhận định từ Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 03/5/2011 nói về việc mua bán bằng giả, hi vọng rằng các bạn sinh viên hãy bằng chính sự cố gắng và lực học của mình để có thể có một tấm bằng toeic thật đúng kiến thức của bản thân.
Sinh viên cần cảnh giác với việc lừa đảo mua bán các loại chứng chỉ
Bài viết của báo Tuổi trẻ ngày 03/5/2011
Nháo nhào “săn” chứng chỉ ngoại ngữ
TT - Nhiều sinh viên năm cuối một số trường đại học đang nháo nhào tìm cách sở hữu một tấm chứng chỉ ngoại ngữ để bổ sung hồ sơ xét tốt nghiệp. Thời điểm xét tốt nghiệp đang đến gần, cuộc săn tìm vì thế nóng lên từng ngày.
Một đối tượng nhận làm giả chứng chỉ TOEIC 500 với giá 5,5 triệu đồng - Ảnh: V.Phúc
Những ngày này nhiều sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chưa có chứng chỉ ngoại ngữ như ngồi trên lửa. Không ít sinh viên đã đăng ký thi đến lần 4, 5 tại trung tâm ngoại ngữ của trường nhưng vẫn không thể đậu. Thậm chí một số khác còn tranh thủ đăng ký “chạy sô” đi thi thêm tại vài trung tâm khác nhưng vẫn không ăn thua.
Chạy vạy khắp nơi
"Để hạn chế các trường hợp sinh viên nộp chứng chỉ tiếng Anh giả, phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh kỹ càng các chứng chỉ TOEIC 500 của sinh viên khóa 23 (2007-2011) nộp xét tốt nghiệp trong thời gian tới" TS Phan Ngọc Minh |
N.V.T., sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), thú thật: “Trong tháng vừa rồi, tôi đăng ký thi ở trung tâm ngoại ngữ của trường, Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trung tâm ngoại ngữ ĐHQG TP.HCM nhưng đều trượt cả. Tôi đang tìm mối mua luôn chứng chỉ B tiếng Anh cho chắc, chứ thi hoài thế này vừa tốn kém lại mất thời gian”.
Nhiều sinh viên biết mình không đủ năng lực để thi nên tìm nhiều cách mong sở hữu một tấm chứng chỉ tiếng Anh đối phó với quy định của trường. L.T.H., sinh viên năm cuối Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay: “Dù đã cố gắng học tiếng Anh nhiều lần nhưng khả năng vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi đã thuê người đi thi kèm, thay đổi hình chứng minh nhân dân để thi hộ nhưng đều thất bại. Sức học của tôi chắc chắn sẽ không vượt qua các kỳ thi lấy chứng chỉ của các trung tâm ngoại ngữ”.
Trong khi đó, L.T.G., sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Gần thời điểm xét tốt nghiệp nhưng nhiều bạn vẫn đang loay hoay không biết làm sao thi lấy chứng chỉ TOEIC 500. Một số bạn đã móc nối thành công với một đường dây nhận làm chứng chỉ giả TOEIC với giá 5,5 triệu đồng, làm luôn hồ sơ gốc”.
Một sinh viên khác của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng thừa nhận mình và vài sinh viên cùng lớp đang liên lạc với một đường dây làm chứng chỉ TOEIC giả. “Họ cam kết chứng chỉ trên sẽ giống như thật, đảm bảo phòng đào tạo của trường không phát hiện”- sinh viên này nói. L.T.T.S., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), tiết lộ: “Một số bạn vừa tìm được một đường dây cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Hiện nhiều bạn đã đặt cọc tiền và đang chờ ngày nhận chứng chỉ”.
Khó qua mắt
Th.S Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Thực tế hiện nay có một số sinh viên không thể vượt qua các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, họ chạy vạy khắp nơi, tìm mua một tấm chứng chỉ giả để bổ túc hồ sơ xét ra trường”.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), các trường hợp sinh viên cố tình nộp chứng chỉ giả cho phòng đào tạo để xét tốt nghiệp, cơ hội để qua cửa xét hồ sơ rất khó xảy ra.
Trong đợt xét tốt nghiệp sinh viên hệ chính quy tập trung khóa 2006-2010, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã phát hiện và đình chỉ cấp bằng tốt nghiệp một năm đối với bốn sinh viên nộp chứng chỉ B tiếng Anh giả để xét tốt nghiệp. Các sinh viên này đã nộp cho phòng đào tạo chứng chỉ B tiếng Anh do Trung tâm ngoại ngữ của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cấp. Thế nhưng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xác nhận bốn chứng chỉ B tiếng Anh trên là giả mạo.
TS Phan Ngọc Minh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết hiện giữa các trường đại học có những hợp tác với nhau trong việc xác minh các loại văn bằng, chứng chỉ.
“Đối với chúng tôi, khi phát hiện chứng chỉ đó có nghi vấn là giả sẽ gửi ngay sang nơi ra quyết định cấp để nhờ kiểm tra hồ sơ gốc, điểm thi và các giấy tờ liên quan. Nếu xác định đó là chứng chỉ giả, phòng đào tạo sẽ căn cứ theo quy định của Bộ GD-ĐT để xử lý. Trường hợp nặng nhất sẽ hủy kết quả học tập của sinh viên. Ngoài ra, các chế tài khác cũng được áp dụng để tăng tính răn đe, giáo dục đối với sinh viên” - TS Minh khẳng định. Thạc sĩ Vũ nói thêm: “Trường hợp không xác định được đơn vị cấp chứng chỉ, phòng đào tạo sẽ không nhận chứng chỉ tiếng Anh trên và yêu cầu bổ túc chứng chỉ mới để xét tốt nghiệp”.
Chứng chỉ nào cũng có
Xác minh các đường dây làm chứng chỉ ngoại ngữ giả mà sinh viên các trường ĐH đang liên hệ, chúng tôi nhận thấy các đối tượng trên có những quảng cáo rất cụ thể về các loại chứng chỉ tiếng Anh, từ giá cả, thời gian đến chất lượng mỗi loại chứng chỉ.
Ngã giá với chúng tôi, T. - một đối tượng rao bán chứng chỉ, cho biết: “Giá chứng chỉ B tiếng Anh 700.000 đồng, chứng chỉ C là 1,2 triệu đồng... còn chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL giá dao động 6-8 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chứng chỉ giả do các đối tượng này cung cấp được “sản xuất” bằng công nghệ sao chép. Họ chụp hình các loại chứng chỉ thật, sau đó dùng máy vi tính sao chép ra các loại chứng chỉ giả với hình thức y như các văn bằng thật, cuối cùng là in ấn, lồng ghép những thông tin cá nhân của người mua lên chứng chỉ giả.