|
Cậu học trò Pakoh Hồ Văn Sợi bên những tấm giấy khen. Ảnh: Q.M. |
Tổng kinh phí cho giải thưởng 500 triệu đồng, do TS Trần Hành - Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng tài trợ. Tiền Phong trân trọng giới thiệu một số gương học sinh tiêu biểu vượt khó học giỏi nhận giải thưởng lần này.
Ngược lên vùng núi cao giáp biên giới Việt – Lào, chúng tôi gặp được cậu học trò người dân tộc PaKoh Hồ Văn Sợi. Sinh ra trong gia đình thuần nông 8 anh em, lần lượt từng người anh em của Sợi phải bỏ dở việc học để theo cha cầm rựa lên rẫy, vác lưới xuống suối kiếm bó rau, con cá.
Lớp 1 Sợi đã phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng để đến trường suốt 3 cấp học. 11 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, một điều kỳ diệu đối với học trò người đồng bào dân tộc. Ngoài giờ học, Sợi tranh thủ phụ giúp gia đình, đi làm thuê.
Trong khi nhiều học sinh nghỉ hè là vui chơi, Sợi lại xem đó là mùa mưu sinh. Mỗi lần tiết kiệm được một khoản nhỏ, Sợi lại chia làm ba phần, hai phần đưa cho bố mẹ, một phần giữ lại và tích lũy dần để mua sách vở. Cậu bé người Pakoh cho biết, ước vọng lớn nhất của em là bước chân vào giảng đường ĐH.
Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1991) đang là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Sư Phạm Huế. Ngày còn bé, cả gia đình chỉ biết bấu víu vào mảnh ruộng cằn cỗi, bữa sắn bữa khoai qua ngày. Quá túng quẫn với cái nghèo, người cha, trụ cột gia đình bất lực bỏ đi, để lại người vợ lam lũ cùng bốn đứa con thơ nheo nhóc.
Đến giờ, Hằng vẫn không thể nào biết được điều kỳ diệu nào giúp mẹ em có thể nuôi 4 chị em trong những năm tháng đói nghèo cơ cực đó. Tuy vậy, hai người chị đầu cũng chỉ học đến cấp 2, phải bỏ dở vào Nam kiếm sống. Thương mẹ, Hằng quyết tâm học thật giỏi. 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lúc em chuẩn bị đối mặt với kỳ thi ĐH cũng là lúc mẹ em nhắm mắt xuôi tay vì căn bệnh ung thư quái ác.
“Trước lúc nhắm mắt, mẹ dặn con phải cố gắng học, cả đời mẹ cầm cự đến lúc thấy con tốt nghiệp lớp 12 loại giỏi cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Mẹ còn dặn phải mạnh mẽ và kiên trì bước tiếp cuộc đời mình, mỗi bước đi trên đường đời, em đều tin có mẹ luôn ở bên”, Hằng tâm sự.
Giờ đây, Hằng đã là sinh viên. Ngoài giờ học, em vừa đi dạy thêm, vừa phụ quán ăn kiếm tiền trang trải việc học. Cô bé mồ côi hiểu rằng mình phải nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần mới có thể theo đuổi việc học. Hai năm liền, em đều đạt danh hiệu sinh viên giỏi.
Văn Thị Linh Hà (SN 1993) sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, nhưng em vẫn vươn lên học tốt. 12 năm học, điểm tổng kết môn toán của Hà thấp nhất là 9,7. Đặc biệt, em còn đại diện học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn tham dự các kỳ thi học sinh giỏi. Năm lớp 11, Hà đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh. Năm học nào điểm tổng kết của em cũng trên 9,0.
Hội đồng giải thưởng Trần Hành tổ chức lễ trao giải thưởng cho 178 học sinh giỏi cấp THPT Quảng Trị. Trong đó có 30 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa; 33 học sinh có kết quả học tập, rèn luyện cao nhất trường; 25 học sinh đoạt giải nhất và 90 học sinh đoạt giải nhì các môn văn hóa tỉnh). Đồng thời đỡ đầu dài hạn 35 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và rèn luyện năm học 2010 - 2011.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi được đỡ đầu từ 2,5 - 5 triệu đồng; học sinh giỏi quốc gia được thưởng từ 2-4 triệu đồng; học sinh giỏi cấp tỉnh được thưởng từ 1-2 triệu đồng; học sinh tiêu biểu cấp trường được thưởng 3 triệu đồng.
Giải thưởng do Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) tài trợ. Lễ trao giải thưởng được tổ chức ngày 27-7 tại TP Đông Hà.
|
TS Trần Hành trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi năm 2010 (*)
Hình ảnh các phụ huynh học sinh nhận tiền học bổng trực tiếp tại chương trình Giải thưởng Trần Hành (*)
Lê Quang Minh
(*): ảnh do Đoàn TN trường cung cấp