Tin tức

Kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2009).

     Tại Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên VN lần thứ nhất (tháng 2/1950) ở căn cứ địa Việt Bắc, Đại hội đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm Ngày truyền thống HS-SV VN. Từ đó, ngày 9 tháng 1 hằng năm trở thành ngày ngày truyền thống HS-SV Việt Nam. Phát huy tinh thần đó, học sinh sinh viên Việt Nam luôn đi đầu trong các phong trào xã hội, là nòng cốt xung kích cho sự phát triển và đổi mới của đất nước. Tinh thần ngày 09/1 bất diệt! HSSV Việt Nam lập chí lớn, luyện tài năng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc!

     Tiếp bước truyền thống vẻ vang của bao lớp đàn anh đi trước, thế hệ HS-SV hôm nay đã không ngừng nỗ lực trong cả học tập và rèn luyện, vượt qua thách thức, nắm vững thời cơ, tự khẳng định mình, mãi mãi tiếp bước bản anh hùng ca cách mạng của đất nước.

Nhớ về anh Trần Văn Ơn.

     Trần Văn Ơn sinh ngày 29/5/1931, trong một gia đình nông dân ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tháng 8/1945, anh thi đậu vào năm thứ nhất, bậc cao đẳng tiểu học tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Tại đây, Trần Văn Ơn đã tham gia vào phong trào HS yêu nước của Trường Pétrus Ký, gia nhập Hội HSVN Nam Bộ, tích cực nhận nhiệm vụ vận động anh em HS tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm học 1948-1949, anh học xong năm thứ ba bậc cao tiểu và thi vượt lớp đỗ bằng đệ nhất cấp Pháp (Brevet du 1er cycle). Năm học 1949-1950, anh lên lớp năm thứ tư (4 e année) cao tiểu thì được đặc cách lên lớp Ban tú tài (lớp seconde, tương đương lớp 10 bây giờ) Trường trung học Pétrus Ký vì đã có bằng đệ nhất cấp.

     Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn HS Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 6.000 HS-SV các trường cùng nhiều giáo viên và nhân dân biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho HS-SV học tập, trả tự do cho những HS bị bắt và mở cửa lại trường học. Tuy nhiên, vào lúc 13 giờ ngày 9/1, chưa hết giờ giải quyết nguyện vọng của HS theo cam kết của tên Thủ hiến, chính quyền Sài Gòn phản bội và đàn áp cuộc biểu tình với lực lượng cảnh sát hùng hậu, kết hợp với công an, lính lê dương dùng dùi cui, súng máy, súng ngắn... đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình trước sự phẫn nộ của đồng bào. Trần Văn Ơn và nhiều HS lớn tuổi phải hứng chịu các loạt ném đá và dùi cui để che chở cho các HS nhỏ tuổi. Hơn 60 HS bị chúng đàn áp khốc liệt còn Trần Văn Ơn đã anh dũng hy sinh do trúng đạn của bọn cảnh sát.


     Học sinh Pétrus Ký (Trường Lê Hồng Phong ngày nay) bãi khóa xuống đường chống đàn áp bắt bớ SV-HS năm 1970


    Tin tức Trần Văn Ơn hy sinh đã mau chóng trở thành tâm điểm của bộ máy ngụy quyền Sài Gòn và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin. Tờ Thời cuộc ra ngày 11/1/1950 đưa tin: "Theo tin chính thức buổi sáng, trò Trần Văn Ơn đã chết. Cậu là HS lớp ba Ban trung học Trường Pétrus Ký". Đồng bào trong nước, dư luận quốc tế xúc động trước cái chết của người thanh niên dũng cảm mới 19 tuổi.

    Ngày 12/1/1950, trên hai vạn HS-SV và nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường tiễn đưa Trần Văn Ơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang Trần Văn Ơn đã biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ, một cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại bộ máy ngụy quyền của đông đảo HS-SV cả nước nói chung và SV Nam Bộ nói riêng.

    Tại đám tang, điếu văn của nam nữ HS và trí thức Sài Gòn-Chợ Lớn có đoạn: "Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh anh Trần Văn Ơn, nghiêng mình trước cảnh tang tóc chung của HS và trước sự đau buồn yên lặng đang đè nặng lên lòng mọi người chúng ta...". Lịch sử sẽ muôn đời ghi nhớ, toàn thể HS chúng ta sẽ không quên ngày 9/1/1950, ngày mà anh Trần Văn Ơn cùng các bạn đồng nạn đã anh dũng đem sinh mạng đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm; gương hy sinh cùng hình ảnh yêu quý của bạn sẽ tồn tại mãi trong lòng chúng ta.

   Báo chí Pháp ở Sài Gòn đưa tin về đám tang Trần Văn Ơn, báo J.E.O đã đăng: Đám tang cậu HS Trần Văn Ơn bị giết chết trong cuộc biểu tình hôm thứ hai đã cử hành hồi sáng nay... Ước tính có 25.000 người mang vô số tràng hoa hợp từng đoàn đại biểu đi theo quan tài chính từ tay HS khiêng đi từ ngã nhà xác Chợ Lớn đến nghĩa địa.

    Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu, hy sinh oanh liệt của HS Trần Văn Ơn đã dấy lên trong HS-SV và nhân dân cả nước lòng căm thù giặc sâu sắc.

    Tại Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên VN lần thứ nhất (tháng 2/1950) ở căn cứ địa Việt Bắc, Đại hội đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm Ngày truyền thống HS-SV VN.

Vietnamese Students' Association in Korea

sinh viên, học sinh, kỷ niệm, truyền thống


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,311,858       1/898