Tin tức

Kỷ niệm 128 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2014)

        Trong khoảng thời gian 30 năm cuối thế kỷ XIX, lịch sử sản xuất của xã hội có bước chuyển biến quan trọng, sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Đồng thời với những bước tiến rất lớn của nền kinh tế tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa nhân dân, trong xã hội đối kháng giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

        Trong bối cảnh đó Mỹ từ một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc châu Âu, đã mở rộng sản xuất, trở thành một quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, thành phố Chicago đã trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ và Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 – 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng ½ nam giới và suốt suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày. Không chịu đựng mãi với chế độ bóc lột tàn khốc của giai cấp tư sản, phong trào bãi công của công nhân châu Âu, Bắc Mỹ bùng lên, với đòi hỏi bứt thiết là tăng lương, giảm giờ làm. Khẩu hiệu chung là “ 8 giờ làm việc, 9 giờ học tập, 8 giờ nghỉ ngơi trong một ngày”.

      Hình 1: Chào mừng Ngày Quốc tế Lao động của giai cấp công nhân Mỹ

          Tại thành phố Chicago, ngày 01/5/1886, hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức míttinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động.

          Ngày 03/5, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức míttinh; tên chủ tư bản ngoan cố không trả lời yêu sách của công nhân, cho đóng cửa nhà máy và những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 04/5, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở quãng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Bọn chủ dùng thủ đoạn xảo trá cho tay chân ném một quả bom làm chết 7 cảnh sát, 4 công nhân và nhiều người bị thương. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.

         Hình 2: Tranh cổ động ngày Quốc tế Lao động

          Hơn một năm sau ngày đấu tranh 01/5, sáng 11/11/1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị trấn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

         Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 01/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Xi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan,… tổ chức nhiều cuộc míttinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

          Ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của những người cộng sản trên toàn thế giới. Từ đó ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

         Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, vào ngày 01/5/1890 lần đầu tiên được kỷ niệm trên qui mô thế giới. Giai cấp công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, míttinh, biểu tình. Hàng ngàn công nhân Pra-ha xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “ngày làm 8 giờ”, “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.

Hình 3: Giai cấp công nhân nước Đức

2. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 01/5

          Từ những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, đã giúp một bộ phận vô sản và lao động Việt Nam nhìn rộng ra phong trào cách mạng thế giới, biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga, biết đến ngày 01/5… và biểu lộ sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế.

          Ngày 01/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô Viết. Trong cuộc biểu tình đó, nhiều công nhân đã bị bắt và tù đày. Có thể nói đây là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự giao tiếp trong chừng mực giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một điểm nút chuyển phòng trào công nhân Việt Nam từng bước tự phát đến tự giác

          Sau khi Đảng Công sản Việt Nam được thành lập, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công – nông. Ngày 01/5/1930, ở các thành phố lớn cũng như các vùng nông thôn rộng lớn của cả nước đã diễn ra các cuộc míttinh, tuần hành của tầng lớp nhân dân lao động chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 01/5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc, chứng minh được sứ mệnh trước lịch sử, sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của mình.

         Từ ngày 01/5/1925 cho đến ngày 01/5/1975, lực lượng công nhân và nhân dân lao động của nước ta trải qua tròn nữa thế kỷ đấu tranh kiên cường, bất khuất dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đánh bại hai đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

         Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua hơn 20 năm đổi mới cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đoàn - Hội SV Trường

tuyên truyền


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        13,944,407       2/525