Tin tức

Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần XI - Những dấu mốc son (1)

Hội nghị thành lập Đảng

 

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ ngày 3 đến 7/2/1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắtĐiều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3/2/1930 trở thành ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Đây là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm, xác định con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
 
Bức phù điêu thể hiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
 
Đại hội I: Củng cố hệ thống tổ chức của Đảng
 
Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
 
Từ ngày 28 đến 31/3/1935, đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp tại một địa điểm ở phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng đã phục hồi sau các cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp.
 
Tham dự đại hội có 13 đại biểu đại diện cho 600 đảng viên. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết), ông Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng bí thư. Ban chấp hành trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
 
Tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng bí thư. Tới tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng bí thư. Tháng 5/1941, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư.
 
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở, từ trong nước đến nước ngoài.
 
Đại hội II: Đại hội kháng chiến
 
Sau chiến thắng Thu – Đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của nước ta trong kháng chiến chống Pháp phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến kiến quốc, Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
 
Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951. Về dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên.
Căn cứ vào sự phân tích cụ thể tình hình thế giới và trong nước, báo cáo chính trị nêu khẩu hiệu chính của ta là “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hoà bình thế giới”.
 
Đại hội bầu ra Ban chấp hành trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng (kiêm Tổng bí thư từ tháng 10/1956). Đồng chí Trường Chinh là Tổng bí thư (đến tháng 10/1956).
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng. Đường lối do đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến, yêu cầu lâu dài của cách mạng và thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.
 
Đại hội III: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10/9/1960. 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50.000 đảng viên trong cả nước dự Đại hội.
 
Ảnh Đại hội III
 
Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà". Đại hội đã bầu Ban chấp hành trung ương mới gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết.
 
Ban chấp hành trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng.
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng có một ý nghĩa rất trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng do đại hội vạch ra là ngọn đèn sáng ngời chiếu rọi con đường của nhân dân ta tiến tới chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
 
Đại hội IV: Đại hội thống nhất tổ quốc, đưa cả nước tiến lên con đường XHCN
 
Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình thống nhất độc lập và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976. 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước dự đại hội.
 
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư.
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng có ý nghĩa trọng đại, là đại hội toàn thắng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và mở đầu cho thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những nội dung cơ bản của đại hội về xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đánh dấu một bước phát triển của Đảng ta trong việc tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
 
Đại hội lần thứ V: Đại hội của sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt 1,727 triệu đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở.
 
Đại hội đã bầu Ban chấp hành trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng bí thư.
 
Ngày 14/7/1986, Ban chấp hành trung ương họp phiên đặc biệt. Đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ trần ngày 10/7/1986.
Đại hội lần thứ V của Đảng là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, tập hợp ý kiến của toàn Đảng để đề ra nhiệm vụ, phương hướng… nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam.
 
Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.
 
Đại hội VI: Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên
 
Ảnh Đại hội VI
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986. Đại hội có sự tham dự của 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng.
 
Đại hội đã bầu Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VI gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.
 
Đại hội đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Chinhphu.vn, Trang tin Đại hội Đảng XI

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,139,500       3/1,113