“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.”
Cách đây 60 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sự kiện lịch sử ấy đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Hình 1: Bộ đội kéo Pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chiến thắng trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động. Để cứu vãn tình thế, tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va, Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Đầu tháng 7/1953, Na-va vạch ra kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, trong đó, chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
Thực hiện kế hoạch trên, tướng Na-va và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở cuộc càn quét dữ dội ở vùng địch chiếm đóng; tiến công ra Ninh Bình, uy hiếp Thanh Hóa, Phú Thọ; nhảy dù xuống Lạng Sơn. Đồng thời, chúng cho thổ phỉ quấy rối Tây Bắc; đưa quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ (ĐBP), nhằm lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.
Hình 2: Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ
Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 -1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, đồng thời buộc chúng phải bị động, phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện ý định trên, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng Lào...
Hình 3: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Ngày 20/11/1953, Pháp mở cuộc hành quân Caxto đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm; quân Pháp đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải... hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất hơn 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm, được tổ chức liên hoàn... Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ để đáp ứng nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không. Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thật sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Chúng cho rằng, nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi...
Nắm vững ý định chiến lược “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy, BTTM xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, chỉ đạo một số đơn vị huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chỉ huy quân và dân ta đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch ĐBP - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược
Hình4 : 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries
tuyên truyền, Điện Biên Phủ