Tin tức

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015)

I.    SỰ RA ĐỜI CỦA NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 27 THÁNG 7

Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường.

Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Sinh viên ĐH Lạc Hồng góp thực hiện ghĩa cử cao đẹp trong việc tri ân các anh hùng liệt sĩ

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác ... Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Chiều ngày 28 tháng 5 năm 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Hội” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.

Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17 tháng 11 năm 1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch đã đến dự buổi lễ và tặng chiếc áo mà Người đang mặc (chiếc áo sau này bán đấu giá được 3.500 đồng).

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19 tháng 12 năm 1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn.

Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Để chủ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Phòng thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập và đầu tháng 7 năm 1947 Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”.

Cũng trong thời gian này, tại một địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng câu ca dao:

“ Dù ai đi Đông về Tây

27 tháng 7 nhớ ngày thương binh.

Dù ai lên thác xuống ghềnh

27 tháng 7 thương binh nhớ ngày ”.

 

Cùng với đồng bào cả nước hướng về cội nguồn dân tộc

Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” mở đầu bằng cuộc mitting lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc mitting này, các đại biểu đã nghe:

Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Trong thư Người viết:

“... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu ...”.

“... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Ông Lê Thành Ân, Phó Trưởng phòng Thương binh, thuộc Chính trị Cục nói về mục đích, ý nghĩa của “Ngày Thương binh toàn quốc” và trách nhiệm của toàn dân đối với thương binh, liệt sĩ.

Ông Lê Tỵ, đại diện thương binh nói lên lòng biết ơn của thương binh đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của nhân dân.

Bà Bá Huy, Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, người sau này được Bác Hồ gửi thư khen vì có nhiều thành tích giúp đỡ bộ đội, thương binh ... phát biểu, hứa hẹn ủng hộ và giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Trong lời kêu gọi nhân “Ngày Thương binh toàn quốc”, ngày 27 tháng 7 năm 1948, Hồ Chủ tịch viết:

“... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào.

Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ.

Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần ...”.

“Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên cũng được tổ chức ở một số Tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Sài Gòn. Tuy đang bị địch tạm chiếm và đàn áp, khủng bố rất gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình: đến ngày đó các cửa hàng “đằng mình” đều đóng cửa nửa ngày và cũng trong thời gian đó không ai ra đường để biểu thị thái độ bất hợp tác với địch.

Từ đấy, hàng năm đến ngày 27 tháng 7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Từ tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 01 tháng 12 hàng năm làm “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Theo đó, hàng năm đến ngày 01 tháng 12, cùng với việc cử các đoàn đại biểu đến tặng quà, úy lạo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ anh, chị em.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” của cả nước.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Ngày Thương binh toàn quốc”, “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”, ngày 27 tháng 7 năm 1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nơi chứng kiến sự ra đời của “Ngày Thương binh toàn quốc”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia như sau:

“ NƠI ĐÂY

NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 1947, 300 CÁN BỘ, BỘ ĐỘI

VÀ ĐẠI DIỆN CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

HỌP MẶT NGHE CÔNG BỐ BỨC THƯ CỦA BÁC HỒ

GHI NHẬN SỰ RA ĐỜI CỦA NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ ”

Cũng nơi này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”, ngày 27 tháng 7 năm 1997.

II. XUẤT XỨ CÂU NÓI, BÀI VIẾT NỔI TIẾNG CỦA BÁC HỒ TRỞ THÀNH PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG, LẼ SỐNG CỦA THƯƠNG BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ: “Phấn đấu trở thành Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu”.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm lớn lao của Bác tiêu biểu cho tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với các liệt sĩ, thương binh. Những điều đó đã được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Bác dưới đây:

1.  Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27-7-1947, Bác viết:

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.

Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương.

Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.

... Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127,00)”.

2.  Trong thư gửi anh em thương binh và bệnh binh tháng 7-1948, Bác viết:

“Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù hoàn toàn bị tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.

Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên những người chiến sĩ kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí”.

3.  Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh về việc đón thương binh về làng tháng 7-1951, Người cũng nhắc lại:

“Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả.

... Song đối với những người con trung hiếu ấy. Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?

... Mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một os61 anh em thương binh ...

... Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ao ước báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”.

4.  Trong thư gửi phụ nữ nhân ngày 8-3-1952, Bác viết:

“... Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc ...

... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ, cùng vợ con của liệt sĩ.

... Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em đã giúp thương binh, đã hòa lẫn lòng yêu thương không bờ bến, mà giúp chiến sĩ và chăm sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”.

5.  Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh ngày 27-7-1952, Người cũng nhắc anh em thương binh là:

“Về phần anh em thương binh, bệnh binh:

- Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân.

- Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật.

- Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất ...

- Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”.

6.  Diễn từ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sĩ ngày 31-12-1954:

“... Các liệt sĩ hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước.

Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước.

Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm đỏ thắm.

Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh.

Một nén hương thanh.

Vài lời an ủi”.

7.  Trong buổi đón giao thừa ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội năm 1956, Bác nói:

“Các chú tàn nhưng không phế”.

8.  Trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh ngày 27-7-1956, Bác Hồ viết:

“... Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

9.  Trong thư gửi anh em thương binh, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam tháng 6-1957, Bác viết:

“... Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em thương bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân dân giúp việc ở Trại, giữa thương, bệnh binh trong Trại với đồng bào chung quanh”.

10.            Trong thư gửi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ ngày 27-7-1959, Bác Hồ cũng đã căn dặn:

“... Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương binh, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Nhiều gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia Tổ đổi công và Hợp tác xã nông nghiệp và đã đạt được thành tích khá trong việc sản xuất và tiết kiệm. Tôi chúc các gia đình ấy trở thành những gia đình cách mạng gương mẫu ...”.

11.  Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (ngày 5-1-1960), đoạn nói về thương binh liệt sĩ, Bác Hồ đã nói như sau:

“... Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta ...

... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”.

12.  Trong Di chúc thiêng liêng của Người, Bác Hồ của chúng ta đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác Lao động - Thương binh và Xã hội:

“Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, than niên xung phong ...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

(Bản viết tháng 5-1968, Bộ Chính trị khóa VI công bố ngày 19-8-1989).

13.  Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 29-3-1978, Bộ Thương binh - Xã hội (sau này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ban hành Chỉ thị số 07/TBXH về cuộc vận động chính trị trong thương binh, gia đình liệt sĩ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, mãi mãi xứng đáng là “Người công dân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu”.

“... Xây dựng được phong trào sôi nổi và thi đua phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, tùy theo khả năng và lĩnh vực hoạt động của mình mà đóng góp nhiều nhất cho yêu cầu phát triển sản xuất, công tác và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Qua thực tiễn đó mà rèn luyện mãi mãi xứng đáng là “Người công dân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu” như Bác Hồ hằng mong muốn ...”.

14.  Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 15-7-1985 về việc tăng cường chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng:

“Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, thu hút nhiều người, nhiều gia đình có công ở cơ sở tham gia, đồng thời phát động phát triển toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, học tập và làm theo những gương tốt. Chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt chính trị ở các cấp của những người và gia đình có công, nhất là đối với cán bộ, bộ đội hưu trí, nhằm thường xuyên và kịp thời phổ biến cho anh chị em. Sử dụng hợp lý trình độ, khả năng đóng góp của anh chị em vào công tác ở cơ sở. Mặt khác cần chống luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại của địch, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành động phi pháp làm mất uy tín và phá hoại truyền thống cách mạng ...”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, hàng vạn thương binh, bệnh binh đã không công thần mà nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, nhiều người đã gương mẫu trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, đảm nhiệm những vị trí trọng trách quan trọng từ Trung ương đến cơ sở và trở thành Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua, Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu.

Đảng Ủy

Tin tức, tuyên truyền, Đảng ủy


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,322,920       4/611