Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Các bài thuốc dân gian chữa đầy bụng khó tiêu

 

    Đầy bụng, khó tiêu thường xảy ra sau khi ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo, tinh bột,đạm, nhiều gia vị, uống nhiều bia, rượu hoặc ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay,… Ngoài việc điều chỉnh ăn uống hợp lý, ăn các loại thức ăn dễ tiêu, nấu mềm, chúng ta có thể dùng các vị thuốc Đông y đơn giản, dễ kiếm lại rất hiệu quả để  lấy lại cảm giác dễ chịu.

-   Gừng: Gừng thường được dùng làm thuốc chữa nôn mửa, bụng đầy trướng, để kích thích tiêu hóa, giải độc.  Cách dùng: Nhai vài lát gừng tươi, ngậm nuốt dần, ngày làm vài lần đến khi hết cảm giác đầy chướng bụng. Hoặc giã nát gừng, pha với nước nóng hoặc với mật ong rồi uống từ từ. Hoặc dùng 10g gừng khô, hãm với 100ml nước sôi rồi uống dần

trong ngày.

                                                                                                      

-  Tỏi: Đây là loại gia vị có tác dụng tốt để chữa đầy bụng, khó tiêu. Cách dùng: Lấy 30g tỏi ta bóc vỏ, giã nát, trộn với 5g đường phèn hoặc đường kính. Hòa với 60ml nước sôi còn ấm (40 - 50 độ), chia làm 2 lần uống trong ngày. Để khử mùi tỏi dùng nước chè đặc, bã chè hoặc nhai búp chè khô.

-  Tía tô: Vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, giải độc, tiêu tích, hạ khí. Cách dùng: Dùng cả lá và thân mềm, khoảng 30g, giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc đem chưng cách thủy cho nóng lên rồi uống khi còn ấm, giúp tiêu hóa thức ăn và chống dị ứng do thức ăn hiệu quả.

-  Chỉ thực - chỉ xác: Là quả phơi khô của các cây thuộc họ cam quýt. Chỉ thực là quả hái vào lúc còn non, nhỏ. Chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín, chỉ xác thường to hơn chỉ thực và được bổ đôi để phơi cho chóng khô. Chỉ thực và chỉ xác đều là những vị thuốc thông dụng trong Đông y, có vị đắng, tính chua, hơi hàn, có tác dụng tiêu hóa, trừ đờm, chữa trướng bụng, lợi tiểu, chữa chứng ra mồ hôi... Cách dùng: Chỉ thực, mộc hương, bạch truật, mỗi vị 18g. Tất cả các vị thuốc tán bột, ngày uống 2 lần với nước gừng, mỗi lần uống 5g. Hoặc: Chỉ xác 10g gam, đu đủ xanh khô 30g, gừng khô 6g, đem sắc kỹ, uống  mỗi ngày 1 - 2 lần.

 - Trần bì: Là vỏ phơi khô của quả quýt chín, họ cam. Theo Đông y, trần bì có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng hành khí, hòa vị, cầm nôn mửa. Thường dùng điều trị ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy, tiêu đờm, giảm ho. Cách dung: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 - 20 phút có thể dùng được. Chú ý chỉ uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,618,668       1/1,036