Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Bệnh cúm mùa: Điều trị và phòng ngừa

1. Bệnh cúm mùa là gì?

     Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virut cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Ở nước ta, các virut gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm... 
     Sau khi bị nhiễm virut cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-400C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho... Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.


Nên tiêm phòng cúm hằng năm (Ảnh: sưu tầm)

2. Thuốc điều trị triệu chứng:
    Đối với người bệnh cúm nên cách ly, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Để hạ sốt, chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38oC, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamim) và cân bằng nước điện giải.

3. Thuốc điều trị đặc hiệu:
    Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virut được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Cụ thể như bị cúm nặng, cúm ác tính hoặc cúm trên những bệnh nhân có nguy cơ dễ diễn biến nặng và có biến chứng như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... Các trường hợp này cần nhập viện điều trị. Tamiflu (oseltamivir phosphate), relenza (zanamivir) là hai loại thuốc kháng virut cúm được sử dụng chống lại virut cúm lưu hành gần đây.

4. Phòng cúm như thế nào?
    Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc; Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Cần lưu ý, chống cúm bằng các thuốc kháng virut không phải là một thay thế cho việc tiêm phòng vắc-xin; Nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi.

(Nguồn: sưu tầm từ các tài liệu bệnh y khoa)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,594,867       1/880