HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người. Để phòng chống HIV/AIDS thế giới lấy ngày 1 tháng 12 hàng năm là ngày phòng chống AIDS.
HIV/ AIDS xảy ra do virus HIV tấn công hệ thống miễn dịch cơ thể
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) được hai viên chức thông tin đại chúng là James W. Bunn và Thomas Netter nghĩ ra vào tháng 8 năm 1987.
Bunn – nguyên là một nhà báo của đài truyền hình KPIX ở San Francisco, Hoa Kỳ – đã tiến cử ngày 1 tháng 12 vì tin rằng ngày này sẽ được các phương tiện truyền thông phương Tây theo dõi loan tin tối đa. Vì năm 1988 là năm bầu cử ở Hoa Kỳ, Bunn cho rằng các phương tiện truyền thông sẽ chán loan tin hậu bầu cử (sau đầu tháng 11) và hăm hở tìm chuyện mới để loan tin. Bunn và Netter xác định là ngày 1 tháng 12 đủ xa sau sự kiện bầu cử và đủ sớm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, trên thực tế, là một điểm chết trong lịch tin tức và do đó là thời gian thích hợp nhất cho (việc loan tin về) Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.
Do đó, “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên đã diễn ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.
Tuy nhiên, đến năm 1996, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS mới bắt đầu hoạt động. Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra "Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS" vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.
Từ khi bắt đầu cho tới năm 2004, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS, cơ quan dẫn đầu chiến dịch Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, đã lựa chọn các chủ đề hàng năm có tham khảo ý kiến các tổ chức y tế toàn cầu khác.
Tính đến năm 2008, chủ đề Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS mỗi năm đều do Ban Chỉ đạo toàn cầu của Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS lựa chọn sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với những người, tổ chức và cơ quan chính phủ tham gia trong công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS.
Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.
Mặc dù gần đây, việc điều trị và phòng chống HIV đã được cải thiện ở nhiều vùng trên thế giới, nhưng tỉ lệ người mắc HIV và số lượng người chết vì AIDS vẫn là rất lớn. Vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay.
(Nguồn: Tham khảo từ voh.com.vn)